TOP 20 Cuốn Sách Chính Trị Hay Và Có Tầm Ảnh Hưởng Nhất 2022

Chính trị đóng một vai trò quan trọng nhất định trong mỗi quốc gia. Biết về chính trị giúp ta hiểu biết nhiều hơn về các vấn đề như giai cấp, dân tộc, quyền lực Nhà nước,… Để giúp bạn đọc đỡ tốn nhiều thời gian tìm kiếm, Ghiền Sách xin giới thiệu TOP 20 Cuốn sách chính trị hay nhất dưới đây.

Mời bạn đọc kéo xuống để tiếp tục nhé!

Những Cuốn Sách Chính Trị Hay Nhất Cho Độc Giả

Chính Trị – Khái Lược Những Tư Tưởng Lớn – DK

Sách Chính Trị - Khái Lược Những Tư Tưởng Lớn

Có đúng chăng khi chúng ta lật đổ một nhà cai trị bất công? Liệu nền dân chủ có thực sự là hình thức chính quyền tốt nhất? Và chiến tranh có thể được biện minh hay không? 

Xuyên suốt chiều dài lịch sử, loài người đã tự hỏi mình những điều này cùng những câu hỏi lớn lao khác về cách thức tốt nhất để chúng ta cai trị chính mình và các tư tưởng gia vĩ đại đã đưa ra những lời giải đáp mà cho đến nay vẫn đang tiếp tục định hình thế giới.

Với văn phong dễ hiểu và sáng sủa, cuốn sách Chính trị – Khái Lược Những Tư Tưởng Lớn là tập hợp những bài viết ngắn gọn hàm súc giải thích rõ những điều khó hiểu, những sơ đồ từng bước giúp làm sáng tỏ những lý thuyết rối rắm và những hình ảnh minh họa dí dỏm giúp chúng ta ý thức rõ hơn về vai trò của mình trong cách thức tổ chức xã hội.

Bộ Sách Lịch Sử Chính Trị – Francis Fukuyama

Bộ sách chính trị

Bộ sách về lý thuyết chính trị được đáng giá cao của nhà kinh tế chính trị người Mỹ Francis Fukuyama gồm có 2 tập:

Tập 1 – Nguồn gốc trật tự chính trị: Từ thời tiền sử đến cách mạng Pháp

Tập 2 – Trật tự chính trị và suy tàn chính trị: Từ cách mạng công nghiệp tới toàn cầu hóa

Bộ sách chính trị này ra đời nhằm xem xét nguồn gốc lịch sử của các thể chế chính trị cũng như quá trình suy thoái chính trị. 

Tập 1 bàn về quá khứ bắt đầu với các nền chính trị của những bậc tổ tiên từ thời Tiền sử, câu chuyện trải dài từ các xã hội bộ lạc đến nhà nước hiện đại đầu tiên ở Trung Hoa, từ sự khởi đầu của pháp quyền ở Ấn Độ và Trung Đông đến quá trình phát triển của trách nhiệm giải trình chính trị tại châu Âu, và kết thúc ở mốc Cách mạng Pháp nổ ra. 

Tập 2 sẽ đưa câu chuyện đến thời hiện đại, đặc biệt chú ý đến tác động của các thể chế phương Tây đối với các thể chế ở các xã hội ngoài phương Tây khi các xã hội này tìm cách hiện đại hóa. Và sau đó là mô tả cách phát triển chính trị xảy ra trong thế giới đương đại.

Chính Trị Luận – Aristotle

sach chinh tri

Tác phẩm nổi tiếng viết về các khái niệm mà từ đó định hình các quốc gia và chính phủ. Mặc dù, Aristotle cổ vũ mạnh mẽ cho chế độ nô lệ lạc hậu, quan điểm của ông về Hiến pháp và cách điều hành chính phủ lại rất kinh điển. Dù chỉ thảo luận về nhà nước và các định chế thời Hy Lạp cổ nhưng tác phẩm này của ông đã đặt nền tảng cho khoa học chính trị hiện đại

Tác phẩm này được xem là căn bản cho Chính trị học Tây phương. Chính trị luận nghiên cứu các vấn đề cơ bản về nhà nước, chính quyền, chính trị, tự do, công bằng, tài sản, quyền, luật và việc thực thi luật pháp của các cơ quan thẩm quyền.

Aristotle là biểu tượng của trí tuệ tư duy triết học. Mặc dù nội dung rất sâu sắc nhưng cách trình bày của ông lại rất dễ hiểu. Ông viết những suy nghĩ của mình một cách rõ ràng với độ chính xác siêu phàm. Học thuyết của ông có ảnh hưởng lớn đến những lĩnh vực hiện đại như : khoa học, chủ nghĩa duy thực và logic học

Theo Aristotle, là một người tốt không thôi chưa đủ. Nếu người dân tốt mà không tích cực tham gia vào đời sống chính trị của chế độ thì chế độ đó có cơ nguy trở thành thoái hóa và trở thành một chế độ xấu. – Dịch giả Nông Duy Trường

Cộng Hòa – Plato

Cộng Hòa

Cuốn sách chính trị này được xem là cột mốc lớn của triết học phương Tây. Tác phẩm được trình bày dưới dạng đối thoại giữa Plato và những người khác. 

Mặc dù chủ đề chính là về một nhà nước lý tưởng nhưng nó cũng xoay quanh giáo dục, tâm lý, đạo đức và chính trị. 

Trong các đoạn chính của Cộng hòa, Plato sử dụng những huyền thoại để khám phá bản chất tự nhiên của thực tế, truyền đạt cái nhìn về sự tiên đoán của con người và vai trò của triết học trong việc thiết lập tự do. 

Ông tưởng tượng ra một cái hang mà những con người bị xiềng xích từ khi mới sinh ra làm bạn với cái bóng của mình và mang họ đến thực tế. Vai trò của triết học, cụ thể là những gì Plato gọi là biện chứng, là đưa con người ra khỏi cái bóng và hướng bản thân họ tới thực tế. 

Đây là bản chất của việc theo đuổi sự khôn ngoan mà không có nhà nước lý tưởng nào không làm. 

Độc giả hiện đại có thể đồng ý với mọi điều Plato nói, cũng như lập luận chặt chẽ, cái nhìn đầy chất thơ vẫn có sức mạnh trong việc kích thích và thách thức. 

Sức mạnh lâu dài này đã làm của Cộng hòa trở thành một trong những nền tảng của văn hóa phương Tây.

Cộng hòa là cuốn sách đầu tiên rung chuyển thế giới, lay động tâm tư. Triết phẩm này chứa bên trong câu hỏi muôn thuở: Làm người nên sống thế nào cho phải ở đời? Thế nào là công bình? Thế nào là đạo đức? – GS Đỗ Khánh Hoan

Cộng hòa là tác phẩm nổi tiếng nhất của Plato và là tác phẩm có ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển tư duy triết học và lý thuyết chính trị suốt hơn 2.000 năm qua. Có người còn cho rằng nếu mang tất cả các sách vở trên đời ra đốt hết thì cũng không hề hấn gì, ngoại trừ cuốn Cộng hòa.

Quân Vương – Thuật Cai Trị – Niccolò Machiavelli

Quân Vương - Thuật Cai Trị

Quân Vương – Thuật Cai Trị (Tái Bản 2018) là cuốn sách gối đầu giường của rất nhiều thế hệ chính trị gia và lãnh đạo trên thế giới.

Cuốn sách hay về chính trị này của Niccolò Machiavelli đã hội tự những nguyên tắc làm nền móng cho khoa học quản trị nói chung và chính trị học nói riêng.

Người ta sẽ luôn đọc Quân vương chừng nào con người vẫn chưa thôi trò chơi nguy hiểm nhưng hấp dẫn có cái tên “chính trị”.

Qua cuốn sách, độc giả sẽ tìm ra chân dung một vị quân vương hình mẫu : keo kiệt hay rộng lượng, độc ác hay nhân từ, thất hứa hay giữ lời nếu lời hứa đi ngược lại lợi ích của mình, phải làm gì để tránh bị dân chúng căm ghét, phải thực thi những hành động lớn lao để nâng cao uy tín của mình.

Cuốn sách bàn về khoa học chính trị của nhà ngoại giao, nhà triết học và nhà quân sự người Ý – Niccolò Machiavelli. Xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1513 nhưng mãi đến năm 1532, ấn bản đầu tiên mới được chính thức xuất bản dưới sự cho phép của Giáo hoàng Clement VII.

Những Cuộc Chinh Phạt Của Alexander Đại Đế – Arrian

sách chính trị nên đọc

Cuốn sách chính trị này thực sự là một tuyệt tác của Arrian, một sự bảo đảm vĩnh viễn cho danh tiếng của ông. 

Arrian đã nói rõ về tầm quan trọng của cuốn sách này đối với ông: “Tôi không cần tuyên bố danh tính của mình – mặc dù nó chưa từng được ai biết tới, tôi không cần ghi rõ quê hương tôi và gia đình tôi, hoặc bất kỳ chức vụ hành chính nào mà tôi đã từng nắm giữ. Tôi chỉ muốn nói điều này: rằng cuốn sách này, từ khi tôi còn trẻ, đã quý giá hơn quê hương, dòng họ và sự thăng tiến – quả thực, đối với tôi, nó chính là tất cả những điều đó.”

Arrian đã nắm bắt được một đề tài hấp dẫn và một cơ hội huy hoàng. Không một ai từng viết về Alexander Đại đế nhiều hơn ông. Không một ai, một nhà thơ hoặc nhà văn nào, có được sự công minh như ông. 

Chừng nào những tác phẩm của những tác giả trước đó (viết về Alexander) còn chứa những sai lầm hiển nhiên, chừng đó một Alexander thực sự còn bị che giấu dưới vô vàn những tuyên bố mâu thuẫn.

Cuốn sách chính trị này của Arrian quả thực đã chấm dứt tình trạng này. Nó quan trọng đến mức Arrian đã không ngần ngại thách thức cả những sử gia Hy Lạp vĩ đại.

Bàn Về Khế Ước Xã Hội – J. J. Rousseau

Bàn Về Khế Ước Xã Hội

Khế ước xã hội là tên gọi vắn tắt của bản luận văn lớn mà J. J. Rousseau đặt dưới một nhan đề khá dài: Bàn về khế ước xã hội hay là các nguyên tắc của quyền chính trị (Du Contrat social – ou principes du droit politique).

Về lai lịch cuốn sách, tác giả viết: “Luận văn nhỏ này trích từ một công trình nghiên cứu rộng lớn mà trước kia tôi đã viết, nhưng vì chưa lượng được sức mình nên phải bỏ đi từ lâu”.

Về mục đích cuốn sách chính trị này, tác giả viết: “Tôi muốn tìm xem trong trật tự dân sự có hay không một số quy tắc cai trị chính đáng, vững chắc, biết đối đãi với con người như con người. 

Và có hay không luật pháp đúng với những ý nghĩa chân thực của nó”. Với luận văn này, J. J. Rousseau muốn “gắn liền cái mà luật pháp cho phép làm với cái mà lợi ích thúc đẩy phải làm, khiến cho công lý và lợi ích không tách rời nhau”.

Toàn bộ luận văn trên dưới sáu vạn chữ được chia làm bốn quyển:

  • Quyển thứ nhất gồm 9 chương, mở ra những ý niệm chung về sự hình thành một xã hội người từ trạng thái tự nhiên chuyển sang trạng thái dân sự và những ý niệm chung về việc thành lập Công ước xã hội.
  • Quyển thứ hai gồm 12 chương, chủ yếu bàn về vấn đề lập pháp.
  • Quyển thứ ba gồm 18 chương, bàn chủ yếu về vấn đề cơ quan hành pháp.
  • Quyển thứ tư gồm 9 chương, bàn tiếp nhiều vấn đề, trong đó nổi lên vấn đề cơ quan tư pháp.

Ông Già Nhìn Ra Thế Giới – Lý Quang Diệu

Ông Già Nhìn Ra Thế Giới

Sinh năm 1923, cuộc đời chính trị của cựu thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu có liên quan mật thiết tới nhiều sự kiện quốc tế. 

Ông từng hội kiến các lãnh đạo chủ chốt của Trung Quốc từ Mao Trạch Đông tới Tập Cận Bình và thân thiết với các tổng thống Hoa Kỳ từ Lyndon Johnson tới Barack Obama.

Trong quyển sách chính trị này, Lý Quang Diệu dựa trên kinh nghiệm phong phú và hiểu biết sâu rộng của mình để đưa ra quan điểm về thế giới đương đại với tầm nhìn hai mươi năm sau. 

Nhưng đây không phải một quyển sách giáo khoa bàn chuyện địa chính trị khô khan cũng như không nhằm tiết lộ những thâm cung bí sử trong những sự kiện thế giới. 

Thay vào đó, tác phẩm này phản ánh những quan điểm của ông về thế giới hiện tại trên phạm vi rộng lớn từ Mỹ, Trung Quốc tới châu Á và châu Âu. 

Trong bối cảnh ấy, ông phân tích sâu sắc các vấn đề xã hội cũng như tâm lý người dân và từ đó rút ra kết luận về cơ hội tồn tại của dân tộc đó và vị thế của họ trên thang bậc quyền lực tương lai.

Chính Trường Hoa Kỳ: Lịch Sử Đảng Phái – A. James Reichley

sách chính trị hay nhất

Cuốn sách là một cái nhìn đầy đủ và chi tiết về Hệ thống đảng phái chính trị Hoa Kỳ.

Trong nhiều năm qua, hiểu biết chung về nước Mỹ của người Việt Nam đã tăng lên rất nhiều thông qua báo chí, sách vở, qua internet, qua các cuộc trao đổi, du lịch, làm việc. Chúng ta khá hiểu về nền kinh tế và môi trường đầu tư, kinh doanh của Mỹ. 

Thể chế chính trị và các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ dần trở nên quen thuộc sau mỗi bốn năm. Hàng chục cuốn sách được xuất bản ở Việt Nam mỗi năm về chủ đề này cũng giúp cho độc giả nắm rõ những khái niệm cơ bản và các sự kiện, nhân vật nổi bật nhất.

Song, một trong những yếu tố nền tảng và quan trọng nhất của thể chế chính trị Hoa Kỳ là hệ thống đảng phái và sự vận hành của nó thì lại chưa được biết nhiều ở Việt Nam. 

Muốn hiểu về thể chế chính trị và các cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ mà chưa biết về sự vận hành của hệ thống đảng phái thì đó sẽ là thiếu sót vô cùng lớn.

Cuốn sách Chính trường Hoa Kỳ: Lịch sử đảng phái của tác giả A. James Reichley, một trong những tác phẩm đầy đủ và chi tiết nhất về chủ đề này. 

Đây là một công trình khoa học chính trị rất sâu sắc về lịch sử hình thành, phát triển các đảng phái chính trị ở Mỹ, được đúc kết từ kinh nghiệm sau nhiều năm nghiên cứu, giảng dạy của tác giả.

Tác giả Reichley đã tổng kết lại hệ thống đảng phái chính trị Hoa Kỳ từ lúc khởi nguồn như một liên minh lỏng lẻo của các câu lạc bộ xã hội đến một hệ thống có cấu trúc và tập trung cao của các bộ máy chính trị tại cộng đồng, thị trấn, thành phố, tiểu bang và liên bang liên kết với nhau. 

Ông cũng phân tích về những biến động chính trị và sự mưu đồ, kế hoạch và chiến lược xảy ra trên khắp các khu vực và các nhóm cử tri bỏ phiếu khi các đảng hình thành, phát triển và cả suy thoái.

Ý nghĩa bìa sách: Con lừa là biểu tượng của đảng Dân chủ, con voi là biểu tượng của đảng Cộng hòa

Chính Trị Đảng Phái Tại Hoa Kỳ – Marjorie Randon Hershey

sách chính trị hay

“Chính Trị Đảng Phái Tại Hoa Kỳ” (tên tiếng anh: “Parties Politics in America”) là cuốn giáo trình kinh điển về các đảng chính trị, được sử dụng rộng rãi trong giảng dạy tại các trường đại học của Mỹ.

Frank J. Sorauf, một người tiên phong trong khoa học chính trị hiện đại, đã khởi xướng tác phẩm vào năm 1968, và Paul Allen Beck đưa cuốn sách chính trị này tới công chúng vào thập niên 1980, 1990, với sự hiểu biết sâu rộng và góc nhìn mang tính chất so sánh ghi dấu các nghiên cứu của ông về đảng phái và hành vi bầu cử. Marjorie Randon Hershey là người đã cập nhật cho cuốn sách này từ ấn bản thứ 9 – từ năm 2001 đến nay.

Mục đích của họ qua mỗi ấn bản mới là cung cấp cho người học những kiến thức hấp dẫn, rõ ràng nhất và toàn diện nhất về đảng phái chính trị và tính đảng, mà chính đó là chìa khóa để hiểu về hoạt động bầu cử, công luận, xây dựng chính sách và lãnh đạo. 

Các tác giả đã thành công tới mức tác phẩm “Chính trị Đảng phái tại Hoa Kỳ” từ lâu được xem là “tiêu chuẩn vàng” cho các giáo trình về đảng phái chính trị.”

Marjorie Randon Hershey, thông qua kiến thức chuyên môn của mình, đã tạo nên đóng góp quan trọng cho một trong các vấn đề hóc búa nhất khi tiến hành nghiên cứu: Ứng viên và chiến dịch của họ đã định hình như thế nào và bị tác động ra sao từ các yếu tố thuộc về cử tri?

Đây là điểm liên kết tương hỗ hai thành phần quan trọng nhất của đảng, là bầu cử và điều hành, vào một khối tổng thể có tính cố kết cao hơn. Nhờ thế mà bà đã làm rõ một trong các vấn đề ngày càng gây hoang mang trong lĩnh vực này.

Marjorie cũng nghiên cứu tường tận về vai trò của giới tính trong nền chính trị, khía cạnh chính trị đảng phái không chỉ đóng vai trò quan trọng bấy lâu ít nhất từ việc để phụ nữ có quyền bầu cử, mà còn đặc biệt cấp thiết trong bối cảnh ‘khoảng cách giới’ xuất hiện và ngày càng tăng.

Cuối cùng, bà có hàng loạt đóng góp giúp chúng ta nắm được cách thức để hiểu về ý nghĩa của những sự kiện phức tạp. Một điểm đặc biệt của cuốn sách chính trị này là tăng cường sử dụng diễn giải từ các nhân vật đảng cả nổi tiếng và ít tiếng tăm, khiến cho nội dung trở nên sống động.

Không những mỗi tác giả bổ sung hiểu biết riêng có và mới mẻ của mình về đảng phái chính trị khi tiếp nối vào đội ngũ học giả hàng đầu tạo nên cuốn sách này, mà mỗi ấn bản đã tự hồi sinh khi xem xét đời sống chính trị của thời kỳ đó.

Độc giả muốn tìm hiểu về kinh tế chính trị Hoa kỳ, đặc biệt là hệ thống đảng phái đang tồn tại ở Hoa Kỳ không nên bỏ qua tác phẩm này.

Chính Trị Học – Nguyễn Đăng Dung

Sách Chính Trị Học

Quyền lực nhà nước và kiểm soát quyền lực nhà nước là vấn đề vô cùng quan trọng, nhưng cũng rất phức tạp. 

Đối với mỗi nhà nước đương đại, việc xây dựng mô hình tổ chức, sử dụng và kiểm soát quyền lực nhà nước phù hợp sẽ là điều kiện để thực hiện hoạt động quản lý nhà nước đúng mục đích, đạt hiệu quả cao, bảo đảm được quyền và lợi ích chính đáng cho nhân dân – chủ thể cao nhất của quyền lực nhà nước, đây cũng chính là cơ sở để xây dựng đất nước phát triển bền vững.

Cùng với sự hình thành và phát triển của các kiểu nhà nước trong lịch sử, đã có nhiều học thuyết, quan điểm và mô hình kiểm soát quyền lực nhà nước. 

Trong điều kiện xã hội hiện đại, có thể thấy rằng: quyền lực nhà nước phải luôn gắn với quốc gia, quyền lực này thuộc về nhân dân và được thể hiện thông qua những định chế nhà nước – pháp luật. 

Quyền lực nhà nước được biểu hiện cụ thể ở hệ thống các cơ quan, tổ chức nhà nước, các quy định pháp luật và những nguyên tắc vận hành của hệ thống đó tạo nên một cơ chế thực hiện quyền lực nhà nước. 

Cơ chế đó được hình thành và phát triển cùng với sự phát triển của văn minh nhân loại và được cụ thể hóa tùy thuộc vào những điều kiện khách quan và chủ quan ở mỗi thời kỳ phát triển của mỗi quốc gia.

Trong bối cảnh đất nước ta đang đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN do nhân dân, vì nhân dân thì việc nghiên cứu học thuyết và mô hình kiểm soát quyền lực nhà nước của một số nhà nước dân chủ, pháp quyền trên thế giới.

Để rồi từ đó rút ra những giá trị tham khảo cho Việt Nam là việc làm quan trọng và cần thiết, nhằm đẩy nhanh quá trình hội nhập quốc tế và phát triển của đất nước.

Bản Sắc – Nhu Cầu Phẩm Giá Và Chính Trị Phẫn Nộ – Francis Fukuyama

Bản Sắc - Nhu Cầu Phẩm Giá Và Chính Trị Phẫn Nộ

Francis Fukuyama từng dự đoán rằng nước Mỹ sẽ bị các nhóm lợi ích đầy quyền lực nắm giữ. Lời tiên đoán của ông được chứng thực khi có sự trỗi dậy của một loạt thế lực phi chính trị, có khuynh hướng đe dọa gây mất ổn định cho trật tự toàn thế giới.

Nhu cầu được công nhận về bản sắc là yếu tố chủ đạo, có thể bao gồm rất nhiều hiện tượng đang diễn ra trong chính trị thế giới ngày nay. 

Sự công nhận phổ quát – tạo nền móng cho nền dân chủ tự do – vẫn không ngừng bị thách thức bởi các hình thái hạn hẹp hơn, đó là sự công nhận dựa trên quốc gia, tôn giáo, sắc tộc, chủng tộc, dân tộc, giới tính, tất cả gây nên chủ nghĩa dân túy chống-nhập-cư, sự bùng phát của Đạo Hồi chính-trị-hóa, “chủ nghĩa tự do bản sắc” chống đối tại các trường đại học và sự xuất hiện của chủ nghĩa dân tộc da trắng.

Bản sắc là cuốn sách chính trị cần thiết và cấp thiết, mang đến một lời cảnh báo sắc sảo: nếu không lý giải được bản sắc con người, chúng ta sẽ tự đẩy mình đến tình trạng xung đột triền miên.

Bàn Về Tự Do – John Stuart Mill

Bàn Về Tự Do

JOHN STUART MILL là triết gia và nhà hoạt động chính trị nổi tiếng ở nước Anh thế kỷ XIX. Giới học thuật ngày nay vẫn còn nhắc tới tên tuổi của John Stuart Mill vì những đóng góp đặc sắc trong lĩnh vực tư tưởng. 

Ông được xem như một triết gia can đảm dám dấn thân vào những vấn đề nhạy cảm của thời đại. Ông bộc lộ mình như một người lãng mạn, say mê tìm kiếm những ý tưởng mới mẻ và các đóng góp của ông mang dấu ấn cá tính riêng rõ rệt. 

Tuy nhiên, John Stuart Mill cũng là người luôn sẵn sàng học hỏi người khác và người ta có thể nhận ra dấu vết của hầu hết những khuynh hướng tư tưởng của thời đại trong các trước tác của ông.

Tác phẩm Bàn về tự do của John Stuart Mill đề cập đến khái niệm tự do xã hội như là ranh giới giữa kiểm soát xã hội và độc lập cá nhân. 

Ông xuất phát từ quan điểm của Wilhelm von Humboldt nhận định rằng: mục tiêu của nhân loại là sự phát triển cao nhất và hài hòa nhất mọi năng lực của con người, và cần có hai điều kiện – tự do và sự đa dạng của các tình huống – để mục tiêu ấy có thể đạt được. 

Ông đề ra các nguyên lý về quyền tự do nhằm đạt được sự hài hoà trong quan hệ giữa con người cá nhân và cộng đồng xã hội, hướng tới mục tiêu phát triển.

Quyền Lực Mềm – Joseph S. Nye Jr.

Quyền Lực Mềm

“Quyền lực mềm” là khái niệm do giáo sư Joseph S. Nye đưa ra vào cuối những năm 1980 và thuật ngữ này hiện đang được các nhà phân tích cũng như các chính trị gia sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới.

Quyền lực mềm là gì? Đó là khả năng đạt được những gì bạn muốn thông qua sự hấp dẫn hơn là ép buộc hoặc thanh toán. 

Nó phát sinh từ sự hấp dẫn của nền văn hóa, lý tưởng chính trị và các chính sách của một quốc gia. Trái ngược với quyền lực mềm là quyền lực cứng – tiềm lực về quân sự và kinh tế của một quốc gia. 

Quyền lực cứng là nguồn quyền lực quan trọng, nó giúp các quốc gia bảo vệ chủ quyền, bảo vệ mình khỏi các mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố và khẳng định vị thế của mình trên thế giới. Nhưng trong thời đại toàn cầu ngày nay, quyền lực cứng không phải là tất cả.

Giáo sư Nye đã khẳng định trong cuốn sách chính trị của mình rằng, quyền lực mềm mới là công cụ hữu hiệu để ngăn chặn các tổ chức khủng bố và giúp giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu bằng cách đoàn kết các quốc gia. 

Đó là lý do thiết yếu tại sao Mỹ – và các quốc gia khác – Cần phải hiểu và áp dụng quyền lực mềm tốt hơn.….Quyền lực thông minh không cứng, không mềm… Nó là cả Hai.

Qatar – Đất Nước Nhỏ, Nền Chính Trị Lớn – Mehran Kamrava

Qatar - Đất Nước Nhỏ, Nền Chính Trị Lớn

Nhà nước vùng Vịnh Qatar có số dân chưa tới 2 triệu, gần như không có nguồn nước tự nhiên và mới chỉ giành được độc lập từ năm 1971. 

Nhưng nguồn dầu mỏ và khí đốt khổng lồ đã tạo điều kiện cho gia tộc al Thani cầm quyền ở đất nước này tạo được ảnh hưởng vô cùng lớn trong chính trị khu vực và quốc tế. 

Như Mehran Kamrava giải thích trong cuốn sách chi tiết và nhiều thông tin này, Qatar là một “người khổng lồ tí hon”: dù thiếu hầu hết các phương tiện của quyền lực nhà nước nhưng Qatar đã tự tạo cho mình quyền lực vô cùng lớn về phương diện kinh tế, văn hóa cũng như ngoại giao.

Karava mô tả Qatar như một đất nước thử nghiệm đang xây dựng một xã hội mới trong khi thực hành cái mà tác giả gọi là “quyền lực tinh tế.” 

Qatar là nơi đặt tổng hành dinh của hãng truyền thông toàn cầu Al Jazeera, là nơi trình diễn tài năng của các kiến trúc sư nổi tiếng thế giới, các trường đại học trứ danh của nước Mỹ như Harvard, Yale, Georgetown cũng đặt cơ sở ở đây. 

Qatar còn là nước đăng cai Fifa World Cup 2022. Kamrava lập luận rằng việc Qatar sử dụng hiệu quả quyền lực tinh tế thách thức hiểu biết của chúng ta về vai trò của các nước nhỏ trong hệ thống toàn cầu. Cuốn sách chính trị này là khảo cứu sâu sắc và kịp thời về xã hội và chính trị Qatar đương đại.

Chính Trị – Nghề Nghiệp Và Sứ Mệnh – Max Weber

Sách Chính Trị - Nghề Nghiệp Và Sứ Mệnh

Max Weber – Tư tưởng gia người Đức, có vai vai trò nổi bật trong quá trình phát triển môn xã hội học hồi cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX.

Weber nhấn mạnh chính trị có nghĩa là “lãnh đạo hoặc gây ảnh hưởng lên phương thức lãnh đạo nhà nước”. Định nghĩa rộng như thế lại đưa ông đến một câu hỏi trung tâm khác: Nhà nước là gì? Weber định nghĩa nhà nước là “cộng đồng người khẳng định (một cách thành công) độc quyền sử dụng bạo lực thể chất một cách hợp pháp trong một khu vực lãnh thổ nhất định”. 

Như vậy, có thể định nghĩa chính trị “đấu tranh để chia sẻ quyền lực hoặc để gây ảnh hưởng lên quá trình phân bố quyền lực giữa các nước hoặc giữa các nhóm người trong một nước”. 

Do đó, “người làm chính trị tìm cách giành quyền lực để làm phương tiện nhằm phục vụ các mục đích khác, có thể là mục đích lý tưởng hay ích kỷ, hoặc giành “quyền lực chỉ vì quyền lực”.

Trong những năm cuối thập kỉ đầu tiên của thế kỷ XX, Max Weber, một nhà xã hội học và học giả được mọi người kính trọng, đã được Đại học Munich mời nói chuyện hai lần. 

Bài đầu tiên là Khoa học – Nghề nghiệp và sứ mệnh (tháng 11 năm 1917) và sau đó là Chính trị – Nghề nghiệp và sứ mệnh (tháng 1 năm 1919). 

Trước sự kiện là nước Đức vừa bị đại bại trong Thế chiến I và đang có những rắc rối về chính trị trong giai đoạn thành lập nước Cộng hòa Weimar, nhiều người, trong đó có Weber như ông thừa nhận trong phần mở đầu bài nói, là ông “sẽ trình bày quan điểm của mình về những vấn đề thời sự hiện nay”. 

Nhiều người kỳ vọng như thế vì lúc đó Max Weber đang là học giả được kính trọng nhất ở Đức. Nhưng Weber đã nói tới những câu hỏi triết học rộng lớn hơn: Chính trị là gì và đặc điểm chung của những người coi chính trị là nghề nghiệp và sứ mệnh.

Tony Blair – Hành Trình Chính Trị Của Tôi

Tony Blair - Hành Trình Chính Trị Của Tôi

Thật không quá khi nói rằng Tony Blair là một trong những chính trị gia nổi tiếng nhất thế kỷ XX. Ông cùng những quyết sách quan trọng của mình trong thời gian tại vị đã không ít lần làm rung chuyển và thay đổi tiến trình của nhân loại. 

Ông trở thành thủ tướng Anh sau khi đảng Lao động thắng lớn trong cuộc tổng tuyển cử năm 1997, thay thủ tướng John Major và kết thúc giai đoạn 18 năm cầm quyền của đảng Bảo thủ. 

Cho đến nay, ông là thủ tướng lâu năm nhất của đảng Lao động và là người duy nhất dẫn dắt đảng này chiến thắng ba cuộc tổng tuyển cử kề nhau.

Tony Blair – Hành trình chính trị của tôi là tác phẩm đầu tiên được viết dưới dạng hồi ký của Tony Blair, ghi lại chân thực nhất những năm tháng khi ông còn là nhân vật quyền lực nhất nước Anh. 

Cũng chính trong tác phẩm này, lần đầu tiên độc giả được tường tận và nắm rõ vai trò của ông trong việc thiết lập lại lịch sử hiện đại của xứ sở sương mù, kế từ sau cái chết của công nương Diana cho tới cuộc chiến chống khủng bố do nước Mỹ phát động. 

Ông cũng bật mí những bí mật quan trọng đằng sau những quyết sách quan trọng nhằm duy trì sức mạnh của Đảng Lao động, mối quan hệ mật thiết với nhiều nhân vật trong giới chính trường Anh như tân thủ tướng Gordon Brown và Peter Mandelson, cùng nhiều nhà lãnh đạo quốc tế như George Bush, Putin và Clinton.

33 Chiến Lược Của Chiến Tranh – Robert Greene

33 Chiến Lược Của Chiến Tranh

Bao quát nhiều nền văn minh thế giới, tóm lược lịch sử hàng ngàn năm xung đột, tập hợp những nguyên tắc quân sự hiệu quả và thiên tài bậc nhất, 33 Chiến lược chiến tranh là bản hướng dẫn đầy đủ, chi tiết giúp bạn sống sót trong cuộc chiến xã hội diễn ra hằng ngày. 

Các chiến lược tấn công giúp bạn luôn dẫn thế thượng phong và thương lượng từ điểm mạnh của mình, chiến lược phòng thủ giúp bạn phản ứng với các tình huống nguy hiểm và tránh những cuộc chiến không thể chiến thắng. 

Dù ở chiến trường hay trong văn phòng, những chiến binh vĩ đại đều là những người khôn khéo, thức thời, biết cách giữ cân bằng, điềm tĩnh và am hiểu lý lẽ. 

Là một cuốn sách chính trị không thể thiếu, 33 Chiến lược chiến tranh trang bị cho bạn tất cả những gì bạn cần để vượt qua thất bại và chiến thắng. Đây thực sự là cuốn Binh pháp hiện đại.

Odyssêy – Homer

Odyssêy

Bản anh hùng ca Odyssêy là bức tranh hoành tráng, hào hùng của người Hy Lạp trong cuộc chinh phục thiên nhiên và di dân mở đất. 

Tác phẩm gồm 12.110 câu thơ, chia làm 24 khúc ca, kể lại hành trình gian nan của Odysseus trên đường trở về quê hương sau khi quân Hy Lạp hạ được thành Troa.

Odyssêy phản ánh giai đoạn cao trào trong quá trình tan rã của chế độ công xã thị tộc: Đó là thời kỳ những người Hy Lạp đã bước vào cuộc sống lao động hòa bình có khát vọng chinh phục thế giới xung quanh, thời kỳ hình thành gia đình một vợ một chồng với chế độ phụ quyền và quyền tư hữu tài sản. 

Ngoài ra ta còn thấy khát vọng sống văn minh, hữu ái, của người xưa như một nguyện vọng không riêng gì của thời đại Homer mà của nhân loại ở mọi thời đại.

Sự Va Chạm Giữa Các Nền Văn Minh Và Sự Tái Lập Trật Tự Thế Giới – Samuel P. Huntington

sách hay về chính trị

Năm 1993, Samuel P. Huntington, khi đó là Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thuộc Đại học Harvard, đã có bài viết mang tính dự báo: “Sự va chạm của các nền văn minh?”. 

Tiêu đề đó cho thấy tác giả của nó có phần hoài nghi: liệu có khả năng xảy ra sự đụng độ giữa các nền văn minh trong thế kỷ XXI hay không? Và thực tế, nội dung của bài viết đã nói lên rằng sự đụng độ là điều khó tránh khỏi. 

Năm 1996, Huntington tiếp tục phát triển dự báo của mình thành cuốn sách Sự Va Chạm Giữa Các Nền Văn Minh Và Sự Tái Lập Trật Tự Thế Giới.

Trong cuốn sách chính trị này của mình, S. Huntington đã vẽ lại bức tranh chung về các nền văn minh khác nhau trên thế giới. 

Về cơ bản, ông phân chia nhân loại thành 2 bộ phận là văn minh phương Tây và văn minh ngoài phương Tây, trong đó văn minh phương Tây đóng vai trò trung tâm trong các phân tích của ông, là điểm tham chiếu để xem xét các nền văn minh khác ngoài phương Tây.

Trên cơ sở xác định các nền văn minh chủ yếu của thế giới, Huntington tiếp tục làm sáng tỏ những thay đổi về cán cân giữa các nền văn minh, giải thích sự thoái trào của văn minh phương Tây và quá trình phục sinh các nền văn minh ngoài phương Tây. 

Ông cũng chỉ ra một trật tự mới của các nền văn minh cùng với sự tái định hình nền chính trị toàn cầu thông qua văn hoá.

Khi nạn khủng bố đang trở thành nỗi đau, nỗi ác mộng cho cả thế giới; khi mà không ít người do thiếu thông tin, do định kiến đang có cái nhìn thiếu thiện cảm với thế giới Hồi giáo thì quyển sách này rất đáng đọc. 

Nó sẽ giúp bạn đọc có một cái nhìn tổng quát về thế giới đương đại với những vấn đề, những thách thức mà mỗi quốc gia, mỗi dân tộc và mỗi con người đều có liên quan và có trách nhiệm.

Kết Luận

Trên đây là TOP 20 Cuốn sách chính trị hay nhất mà chúng mình đã tổng hợp được. Hy vọng qua những gợi ý phía trên, độc giả sẽ sớm tìm được cuốn sách phù hợp với bản thân.

Chúc bạn đọc sức khỏe và thành công.

Hẹn gặp lại bạn ở bài viết tiếp theo!

Hạ Uyên

Chào bạn, mình là Hạ Uyên. Đam mê đọc sách của mình khởi nguồn từ năm nhất đại học, thông qua sách mình đã tìm được rất nhiều điều hay ho và mình muốn chia sẻ những điều đó đến bạn.